Trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự và vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự
- Quy định về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự
Chương II về Nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.”. Có thể nói đây là nguyên tắc quan trọng đối với chế định trợ giúp pháp lý. Để bảo đảm nguyên tắc này, BLTTHS 2015 đã có một số quy định về trợ giúp pháp lý như: (1) Bổ sung diện người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách. (2) Quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý quy định tại các Điều 71 (Trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng), Điều 76 (Chỉ định người bào chữa) và các Điều có liên quan đến việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. (3) Bổ sung quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Điều 414), trong đó có bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý.
Cụ thể hóa các quy định trên của BLTTHS 2015, nhằm bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, Điều 1 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của Lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Thông tư số 46/2019/TT-BCA) quy định: “Việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng”.
Có thể khẳng định trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự, đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, từ đó người dân tin tưởng hơn vào công lý, công bằng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tư cách tham gia tố tụng hình sự của Trợ giúp viên pháp lý
BLTTHS 2015 quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý với các tư cách sau: (1) người bào chữa (Điều 72), (2) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83), (3) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84). Khác với những người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác, Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng hình sự có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, Trợ giúp viên pháp lý chỉ thực hiện cho người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo đó, có 14 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính; b) Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính; c) Người cao tuổi có khó khăn về tài chính; d) Người khuyết tật có khó khăn về tài chính; đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính; e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính; g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính; h) Người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính. Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Nghị định 144/2017/NĐ-CP là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Người thụ hưởng TGPL không phải trả bất kỳ một khoản lệ phí nào. Chi phí cho người thực hiện trợ giúp pháp lý do Nhà nước chịu.
Thứ hai, Trợ giúp viên pháp lý là viên chức của Trung tâm được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về viên chức, vừa phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về Trợ giúp viên pháp lý và quy trình cử người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật TGPL, vừa đáp ứng điều kiện về người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Thứ ba, Trợ giúp viên pháp lý không không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện hoặc nhận bất kỳ lợi ích vật chất, lợi ích khác có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý từ người được trợ giúp pháp lý hoặc người khác. Trợ giúp viên pháp lý được hưởng lương viên chức, được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề và được bồi dưỡng khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện các vụ việc trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
2.1. Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bào chữa
Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa khi được người bị buộc tội nhờ bào chữa và được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử tham gia tố tụng hoặc thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của BLTTHS 2015 (nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa cho họ). Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” cũng được đảm bảo quyền bào chữa (Điều 58 BLTTHS 2015).
Thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của điểm d khoản 2 Điều 78 BLTTHS. Theo đó, khi đăng ký bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý kèm theo bản sao có chứng thực.
Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng của người bào chữa: Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Trợ giúp viên pháp lý có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Trợ giúp viên pháp lý không được bào chữa trong các trường hợp sau: a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa có quyền: a) Gặp, hỏi người bị buộc tội; b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS; d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS; đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra; m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của BLTTHS.
Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa có nghĩa vụ: a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; b) Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; c) Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan; d) Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; đ) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của BLTTHS thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; g) Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2.2. Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83 BLTTHS) và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84 BLTTHS 2015). Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi được của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử tham gia tố tụng. Quy định về “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”tại Điều 83 Bộ luật TTHS 2015 là một quy định mới so với BLTTHS 2003. Điều luật nhằm tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn tiền tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ: a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; b) Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền: a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản; d) Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra; đ) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa; e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; h) Kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có nghĩa vụ: a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; b) Giúp bị hại, đương sự về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
- Kết quả thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự
- Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự chủ động tham mưu của Cục Trợ giúp pháp lý, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, sự phối hợp có hiệu quả của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương và quyết tâm cao của toàn hệ thống trợ giúp pháp lý, các chính sách về trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ, Giám đốc Trung tâm và các Trợ giúp viên pháp lý đã tập trung vào nhiệm vụ chính là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, vì vậy, vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tăng lên về số lượng và đảm bảo về chất lượng và hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong năm 2019, các Trợ giúp viên pháp lý đã thụ lý thực hiện 15.646 vụ việc tham gia tố tụng hình sự, trong đó có 11.982 vụ tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự. 6 tháng đầu năm 2020, các Trợ giúp viên pháp lý đã thụ lý thực hiện 10.165 vụ việc tham gia tố tụng hình sự, trong đó có 7.861 vụ tham gia bào chữa. Thông qua các vụ việc TGPL cụ thể, các tổ chức thực hiện TGPL nói chung và Trợ giúp viên pháp lý nói riêng đã giúp cho người được TGPL, thân nhân của họ và cộng đồng hiểu và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn, qua đó góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.
- Nâng cao vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tố tụng trong vụ án hình sự không chỉ giúp đỡ người được trợ giúp pháp lý về mặt pháp lý mà còn giúp đỡ, động viên tinh thần giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý. Vì vậy, để nâng cao vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người được trợ giúp pháp lý, tôi cho rằng cần thực hiện những việc sau:
Thứ nhất, cần có quy định thời điểm, thủ tục để Trợ giúp viên pháp lý tham gia là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhất là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Trong khi BLTTHS 2015 quy định rõ về thời điểm tham gia bào chữa của người bào chữa, thì quy định về thời điểm, thủ tục trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp lại chưa quy định cụ thể, nhất là trong trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Thứ hai, nâng cao năng lực tham gia tố tụng hình sự của Trợ giúp viên pháp l, nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án, nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi để làm rõ nội dung vụ án, tư cách của những người có liên quan trong vụ án; có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị để lưu trữ các thông tin được cung cấp; kỹ năng thu thập được các tài liệu chứng cứ liên quan tới vụ án; tìm hiểu sâu về những điểm còn chưa rõ hoặc mâu thuẫn về chứng cứ, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, nhân thân của người được trợ giúp pháp lý; chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa kỹ lưỡng. Trợ giúp viên pháp lý cần nắm rõ quy trình thủ tục tố tụng của BLTTHS 2015; tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra như thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, kê biên tài sản, đối chất, nhận dạng…
Thứ ba, Trợ giúp viên pháp lý thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tranh tụng./.
Dương Đình Thái - CC. Tư pháp - Hộ tịch