GIA ĐÌNH ĐỒNG CHÍ CAO VĂN SAN DÙNG 500 TRIỆU ĐỒNG TIỀN TIẾT KIỆM VÀ PHÚNG ĐIẾU TRAO TẶNG QUỸ KHUYẾN HỌC XÃ CẨM THỊNH
Đồng chí Cao Văn San (Sinh năm 10/4/1927), quê quán thôn Đông Thịnh, xã Cẩm Thịnh ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên 75 năm tuổi Đảng.
Trước khi mất, đồng chí đã dặn dò con cháu: “dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được và tiền phúng điếu để lập quỹ khuyến học cho con em quê hương xã Cẩm Thịnh”.
Thực hiện tâm nguyện của đồng chí Cao Văn San, chiều 11/6, ngay trong đám tang tại quê nhà ở xã Cẩm Thịnh, đại diện gia đình đã trao 500 triệu đồng từ tiền tiết kiệm và tiền phúng điếu ông để lập quỹ khuyến học xã Cẩm Thịnh.
Tiếp nhận số tiền, ông Nguyễn Hữu Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cảm ơn tấm lòng của người quá cố cùng gia đình; đồng thời cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ để sớm thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài theo đúng quy định; động viên con em vượt khó, học tập tốt, góp phần tích cực xây dựng một xã hội học tập trên địa bàn xã Cẩm Thịnh.
Được biết, trong những năm qua, gia đình đồng chí Cao Văn San và các con cháu đã đóng góp rất nhiều tiền của cho công tác an sinh xã hội ở xã nhà. Năm 2017, doanh nghiệp của các con cháu đã ủng hộ 2,5 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Cẩm Thịnh; đang nhận nuôi dưỡng thường xuyên 3 cháu mồ côi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, con cháu đồng chí Cao Văn San đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động từ thiện nhân đạo ở địa phương…
✅Đồng chí Cao Văn San đã tham gia công tác thanh niên của Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã; cùng cán bộ, Nhân dân địa phương giành chính quyền vào tháng 8/1945.
Sau cách mạng, đồng chí Cao Văn San tiếp tục hoạt động sôi nổi. Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên Trường cấp 2 xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), đồng chí Cao Văn San tiên phong trong phong trào “Bình dân học vụ”, diệt “giặc dốt” tại địa phương. Sau nhiều thử thách và cống hiến, năm 1950, cụ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1952, đồng chí xung phong lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt ở chiến trường Tây Bắc.
Xuất ngũ trở về, đồng chí có giấy gọi tham gia khóa đào tạo tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Sau khi hoàn thành chương trình học, đồng chí không quản ngại vất vả, hiểm nguy, xung phong nhận công tác dạy học ở vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) và gắn bó với nơi này trong suốt 9 năm (1961 – 1970)
Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng với tinh thần hiếu học, Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng với tinh thần hiếu học, đồng chí tiếp tục học lên chương trình đại học và trở thành giáo viên của những ngôi trường cấp 3 danh tiếng ở Hà Tĩnh như: Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), Cẩm Bình ( Cẩm Xuyên).
Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng và sự nghiệp trồng người, khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Năm 1997, ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông theo con cháu vào Bình Dương sinh sống.