CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP (1906-1941)

      Tổng bí thư Hà Huy Tập “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc,nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP (1906-1941)

       Tổng bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/04/1906 sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

      Thân phụ là ông Hà Huy Tương đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc một phụ nữ nông dân thực thụ quanh năm chân lấm, tay bùn, tần tảo nuôi chồng, nuôi con…

      Hà Huy Tập là một trong năm người con trong gia đình, lúc nhỏ tên là Hà Huy Khiêm (còn gọi là Ba). Từ năm 1910 đến 1919 học chữ nho tại quê nhà và học tiểu học tại Thị xã Hà Tĩnh. Với tư chất thông minh, tiếp thu nhanh, trí nhớ tốt, năm 13 tuổi Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa tại trường tỉnh và được đặc cách vào trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế và về dạy tại trường tiểu học ở thị xã Nha Trang (nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926, sau đó chuyển về dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An). Những năm tháng này cũng chính là thời gian Hà Huy Tập đọc nhiều sách báo; thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than. Lòng yêu nước và sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Hà Huy Tập bước vào cuộc đấu tranh cách mạng với cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.

      Cuối năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt và luôn là một trong những người xả thân cho những hoạt động của Hội. Trong thời gian ở Vinh, ngoài việc dạy học ở trường Cao Xuân Dục, Hà Huy Tập còn đến các xóm thợ Trường Thi – Bến Thủy, các làng, xã quanh Vinh để tìm hiểu tình hình và xây dựng cơ sở Hội Phục Việt. Những hoạt động tích cực cụ của Hà Huy Tập đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh; đồng thời cũng dẫn đến việc Công sứ Vinh lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập. Tháng 03/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn.

      Tháng 01/1928, Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) tổ chức Hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Hà Huy Tập dự Hội nghị này với tư cách Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Hội nghị bàn về việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Rời Hà Tĩnh, Hà Huy Tập trở lại Sài Gòn, dạy học tại trường tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định và hoạt động ngày càng tích cực. Tháng 06/1928, Hiệu trưởng An Nam học đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của ông với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa. Sau đó, Hà Huy Tập xin vào làm việc ở một hiệu buôn đến tháng 08/1928, ông rời khỏi hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được chi bộ Đảng trong công nhân do ông làm Bí thư.

      Tháng 12/1928, ông được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia khóa huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Ấn tượng mạnh với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tác phẩm Đường Kách Mệnh, Hà Huy Tập tích cực hoạt động.

      Từ năm 1929-1932, Hà Huy Tập học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Từ giữa năm 1933, tại Trung Quốc, đồng chí Hà Huy Tập bắt liên lạc với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác, thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng nhằm khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931.
Từ ngày 27 – 31/3/1935, đồng chí Hà Huy Tập dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc). Sau đại hội, Hà Huy Tập cùng BCH Trung ương Đảng bắt tay vào triển khai nghị quyết đại hội.

     Năm 1936, đồng chí về nước hoạt động và triệu tập hội nghị cán bộ để bầu BCH Trung ương lâm thời. Tại hội nghị này, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 9/1937, tại Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương. Hội nghị này đánh dấu một bước tiến lớn của Đảng trong một năm, từ chỗ không còn Trung ương đến chỗ có BCH và BTV Trung ương.
Ngày 1/5/1938, trong một chuyến đi công tác, do có nội phản chỉ điểm, Hà Huy Tập bị quân Pháp bắt tại Sài Gòn, sau đó bị quản thúc tại quê nhà. Ngày 30/4/1940, đồng chí bị bắt lại và bị tuyên án 5 năm tù giam.
Ngày 25/3/1941, tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đổi thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu.

noi an nghi cua co tong bi thu ha huy tap ha tinh 5 1609936257

      Tổng bí thư Hà Huy Tập cũng là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta, đã soạn thảo nhiều văn kiện Đảng, viết sách, báo, tuyên truyền, giáo dục giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân; là một đảng viên mẫu mực, luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, có tình thương yêu giai cấp, yêu nhân dân sâu sắc, tin tưởng sắt đá vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Đồng chí Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Câu nói nổi tiếng “Cách mạng muôn năm”, “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”, đã trở thành lời hiệu triệu, nhắc nhở các thế hệ tiếp theo phải luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, dân tộc lên trên hết; kiên định và thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *